Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt Ðề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (ngày 8.9), Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan triển khai thực hiện Ðề án, để kịp thời đáp ứng mong mỏi có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống của hàng nghìn hộ dân nghèo trong tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, ngày 20.9, Sở Xây dựng đã gửi công văn đến UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin về những việc cần làm liên quan đến Đề án này. Cụ thể, trong năm 2023, Đề án phải hoàn thành tiến độ giải ngân 50 tỷ đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ 655 hộ (xây mới 503 hộ, sửa chữa 152 hộ); hỗ trợ cho 405 hộ đã được xét nhận kinh phí xây mới nhà ở trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, nhưng đến nay chưa nhận được tiền; hỗ trợ bổ sung cho 35 hộ đã được hỗ trợ xây mới nhà ở theo Đề án giai đoạn trước, để bằng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ của Đề án mới này.
“Để có cơ sở phân bổ vốn, tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ đảm bảo tiến độ đề ra của Đề án, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phê duyệt danh sách hỗ trợ năm 2023 và tổ chức triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn gấp rút triển khai phần việc được giao”, ông Bảo cho hay.
Chiều 26.9, huyện Vân Canh đã tổ chức họp bàn các nội dung liên quan đến Đề án này, nhằm đảm bảo mọi việc diễn ra đúng và đủ yêu cầu, hỗ trợ thiết thực hộ nghèo, cận nghèo cần nhà ở của huyện. Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Lương Đình Tiên, dù Vân Canh đã thoát khỏi huyện nghèo nhưng số hộ nghèo, cận nghèo của huyện vẫn đang ở mức cao (hơn 40%); trong đó đa số hộ nghèo, cận nghèo đang cần được hỗ trợ về nhà ở.
“Tôi hy vọng Đề án sẽ giúp Vân Canh giải quyết tiêu chí thiếu hụt nhà ở của hộ nghèo, đáp ứng tiêu chí về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới’’, ông Tiên bày tỏ.
Khối thi đua Văn hóa - Xã hội tỉnh trao nhà Đại đoàn kết cho ông Đinh Văn Thớ. Ảnh: N.T |
Cũng như Vân Canh, đa số địa phương trong tỉnh, nhất là huyện miền núi, trung du đang hết sức phấn khởi với Đề án. Bởi thực tế, dù cả tỉnh chỉ còn mỗi An Lão là huyện nghèo, nhưng số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở vẫn khá nhiều.
Theo kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở đơn sơ, dột nát trên địa bàn tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 5.553 hộ (4.352 hộ nghèo, 1.201 hộ cận nghèo). Ngoài ra, từ số liệu tổng hợp của các địa phương, còn khoảng 2.289 hộ nghèo, cận nghèo nằm ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia cần được hỗ trợ xây, sửa nhà ở. Với 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, dù đã được phê duyệt cấp kinh phí xây mới nhà ở, nhưng do vốn Trung ương phân bổ về không đủ, nên vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, qua ghi nhận tại các địa phương, có không ít hộ nghèo, cận nghèo, dù đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách nhưng do không có kinh phí đối ứng, lại nằm ở vùng thường xuyên có mưa lũ, sạt lở đất khiến nhà ở nhanh chóng xuống cấp, hộ lại không có tiền để gia cố, sửa chữa thường xuyên.
Ở làng O3 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), một ngày giữa tháng 9, người dân kéo đến thăm căn nhà Đại đoàn kết vững chãi do Khối thi đua Văn hóa - Xã hội tỉnh tặng ông Đinh Văn Thớ (SN 1964), là hộ nghèo của làng. Ai cũng thương ông Thớ mất vợ đã lâu, căn nhà sàn cũ kỹ xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, không có nhà bếp và nhà vệ sinh. Hằng ngày, một mình ông lủi thủi vào ra. Giờ thì nhà rộng rồi, bà con đến chơi, có chỗ ngồi, chỗ uống rượu cần, chỗ nằm nghỉ; ngày nắng, đêm mưa, ông không còn lo lắng nữa...
Theo ông Đinh Cư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, có an cư mới lạc nghiệp, đặc biệt với hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số. “Để hiểu, việc Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương rồi cộng đồng, nhà tài trợ quan tâm, hỗ trợ nhà cho bà con có ý nghĩa đến thế nào; một người có nhà mới, cả làng, cả xã vui lây. Những căn nhà mới thật sự tạo động lực để bà con phấn đấu vươn lên, thoát nghèo. Mong rằng, những chính sách, đề án sớm đi vào thực tế, để thời gian tới không chỉ ở Vĩnh Kim mà nhiều nơi khác trong tỉnh, hộ nghèo, cận nghèo sẽ có những căn nhà vững chãi, đẹp đẽ”, ông Cư kỳ vọng.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn