Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra trực tiếp trong đợt này là Cục Hải quan Bình Định, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở VH&TT, Sở LĐ-TB&XH.
Kiểm soát quy trình giải quyết
Dấu ấn đáng kể trong công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian gần đây của các cơ quan, đơn vị là quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được kiểm soát hiệu quả, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hạn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghĩa - chuyên viên Phòng CCHC (Sở Nội vụ), với việc công khai tiến độ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thông tin về hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn và trễ hạn đã đảm bảo chính xác, minh bạch.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2019, Sở LĐ-TB&XH giải quyết 3.541 hồ sơ thì có đến 2.356 hồ sơ trước hạn (đạt tỷ lệ 66,5%), không có hồ sơ trễ hạn. Đây là con số ấn tượng đối với đơn vị cấp sở. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho biết, gần đây, Sở đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quy trình giải quyết TTHC, nhất là cơ quan CA và lực lượng vũ trang. Nhờ đó, nhiều hồ sơ phức tạp trên lĩnh vực người có công đã được giải quyết kịp thời, đúng chế độ.
Với Cục Hải quan Bình Định, bộ phận một cửa được bố trí tại 3 trụ sở làm việc có phát sinh giải quyết TTHC gồm Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quy Nhơn, Chi cục Hải quan Phú Yên. Trong số 15.791 hồ sơ đã giải quyết, không có hồ sơ trễ hạn. “Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC chủ yếu thực hiện trên hệ thống điện tử Hải quan, nên khâu kiểm soát tiến độ thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả thực chất”, Phó Cục trưởng Nguyễn Quốc Huy thông tin.
Tập trung khắc phục hạn chế
Bên cạnh “điểm sáng” là giảm thiểu hồ sơ TTHC trễ hạn, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, nổi bật là lượng hồ sơ TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn chiếm tỷ lệ thấp; chưa có biện pháp đẩy mạnh hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Như Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong 9 tháng đầu năm nay chỉ phát sinh 1 hồ sơ mức độ 4, chưa có hồ sơ mức độ 3.
“Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về CCHC chưa được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị chỉ ban hành kế hoạch, chứ chưa thực hiện thường xuyên; việc tuyên truyền cũng không đa dạng, còn thiếu thông tin về TTHC, sáng kiến trong CCHC…”, Quyền Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) Nguyễn Thanh Vũ nhận định.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo, điều hành, quán triệt công tác CCHC; tăng cường giám sát kết quả thực hiện sau kiểm tra; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chỉ số CCHC của đơn vị và của tỉnh, nhất là mức độ hài lòng của tổ chức và người dân. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến là phối hợp triển khai đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và triển khai xác định chỉ số CCHC năm 2019 theo kế hoạch của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị cũng cần thường xuyên phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đưa ra các giải pháp nhằm phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, tăng cường trao đổi văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung bản mô tả công việc và khung năng lực theo vị trí việc làm.
Ông Ngô Văn Hương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra - đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm hơn nữa đến tiến độ giải quyết TTHC, không chỉ không có hồ sơ trễ hạn mà phải nâng tỷ lệ hồ sơ trước hạn. “Nhiệm vụ này càng quan trọng đối với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh. Triển khai nhanh các TTHC trên lĩnh vực thu hút đầu tư vào các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh là góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay”, ông Hương nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn