Sau hai năm tạm hoãn do dịch Covid-19, Diễn đàn trẻ em tỉnh Bình Định đã được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn khởi động lại trong hai ngày 9 - 10.8 tại TP Quy Nhơn với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, với sự tham dự của 130 trẻ em đến từ các huyện, thị xã, thành phố và Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn.
Các em học sinh đề nghị lãnh đạo các cấp có chế tài thích đáng đối với đối tượng có hành vi dụ dỗ trẻ em mua bán, sử dụng các chất kích thích đặc biệt là ma túy. Ảnh: K.H  
Ghi nhận tại Phiên đối thoại của trẻ em với các lãnh đạo, có 4 nhóm vấn đề chính được trẻ em lên tiếng, gồm: Vấn nạn bạo lực thể xác và tinh thần; tử vong do đuối nước; những cạm bẫy trên mạng và nguy cơ đối mặt với tai nạn, tệ nạn trong đời sống xã hội; áp lực học tập cùng việc thiếu sân chơi, địa điểm giải trí phù hợp. Đại diện trẻ em huyện Tuy Phước đã đề cập đến vấn đề lâu nay vốn “khó nói”, đó là học sinh THCS thay đổi tâm sinh lý, tò mò về tình yêu và tình dục, do không có  kiến thức về vấn đề này nên nhiều em đã không tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc.
Trước khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc phổ cập bơi và trang bị kỹ năng cứu đuối, nhất là trẻ em các huyện miền núi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tích cực vận động nguồn lực mở nhiều lớp dạy bơi, xây một số hồ bơi đạt chuẩn. Dù vậy, ông Hùng thừa nhận, để có thể phổ cập bơi cho tất cả trẻ em trong tỉnh, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Liên quan đến việc người lớn dùng vũ lực đe dọa, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại hoặc tình trạng một số trẻ em cha mẹ ly hôn phải sống với dì ghẻ, dượng ghẻ nên bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần đang diễn ra ở một số tỉnh, thành trong nước, ông Hùng nhắc nhớ đến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, ngoài các em, những người hàng xóm, người qua đường hãy quan tâm, phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng, giúp “giải thoát” cho những em không thể tự cứu mình.
10 thông điệp là những tâm tư, nguyện vọng đã được các em gửi đến lãnh đạo, đại biểu tham dự Diễn đàn. Đó là: Chấm dứt tình trạng bạo lực trẻ em/Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình/Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực trẻ em/Cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật/Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em để phòng tránh đuối nước/Cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để rèn luyện kỹ năng diễn thuyết, trình bày trước đám đông cho trẻ em/Tổ chức các CLB có nội dung lành mạnh cho trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được thực hiện quyền tham gia của mình/Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện/Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện và mô tô/Bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực của môi trường mạng.
Theo bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), chủ đề các em thảo luận tại diễn đàn phong phú, đa dạng hơn, có tính thời sự tại địa phương các em sinh sống. Đặc biệt, phần nội dung truyền tải thông điệp công phu, hấp dẫn hơn với hình thức vừa thuyết trình vừa biểu diễn tiểu phẩm.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định