Ðẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo ra sản phẩm và các hoạt động văn nghệ, thể thao cho người bệnh là một trong những phương pháp nổi bật mà Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đang triển khai nhằm hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Bệnh nhân Nguyễn Hữu Thanh cắt tóc, cạo râu cho bệnh nhân khác tại Trung tâm.
Niềm vui lao động

Nhiều năm trước, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã triển khai hai tổ nghề nhỏ: Tổ may và tổ cắt tóc. Mỗi tổ đều có 5 thành viên, do một cán bộ Trung tâm phụ trách, hỗ trợ. Cả hai tổ được ra đời với mục đích tạo niềm vui lao động cho bệnh nhân tâm thần, hỗ trợ Trung tâm các hoạt động liên quan đến tổ.

Bệnh nhân Nguyễn Hữu Thanh (53 tuổi, quê ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), một trong những “tay kéo” của tổ cắt tóc, kể rằng: “Trước khi vào Trung tâm, tôi làm nghề cắt tóc. Bây giờ cũng được làm nghề dù đồ dùng, vật dụng ít hơn. Mỗi người sẽ được cắt tóc 1 lần/tháng, cạo râu, bấm móng tay hàng tuần. Tôi với mấy anh em trong tổ thường xuyên có việc làm”.

Vừa là thợ cắt tóc, vừa là thợ may, bệnh nhân Nguyễn Văn Cường (37 tuổi, quê ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) không giấu được niềm tự hào khi được hỏi chuyện. Anh bảo: “Tổ may và tổ cắt tóc sát vách nhau. Thế là rảnh rỗi bên tổ cắt tóc, tôi đi học may. Mất 6 tháng, tôi mới biết đạp máy may. Giờ thì tôi có thể ráp được quần đùi, quần dài, áo sơ mi. Mình làm được nhiều thì vui lắm!”.

Chị Trần Thị Lên, cán bộ Trung tâm, cho biết: “Thời gian qua, tổ may phụ trách các khâu đơn giản liên quan đến may vá, chỉnh sửa đồ đạc của Trung tâm. Toàn bộ yếm cho bệnh nhân không tự phục vụ được và áo gối đều do tổ may thực hiện. Ngoài ra, tổ may tham gia may quần đùi vải; chỉnh sửa mùng mền, quần áo bị hỏng hoặc chỉnh sửa quần áo được nhà hảo tâm tặng nhưng chưa đúng kích cỡ... Những người gắn bó với tổ có thể đã từng học may như chị Đỗ Thị Lệ (50 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), chị Đặng Thị Nhỏ (50 tuổi, ở TP Quy Nhơn) hoặc chưa biết may nhưng rất yêu thích, nhẫn nại, tỉ mỉ với công việc”.

Mới hình thành và mở rộng sản xuất trong năm 2019 là tổ sản xuất chổi cọng dừa và chổi đót. Trong không gian rộng thoáng, sạch sẽ của Nhà phục hồi chức năng mới hoàn thành vào cuối năm 2019, nhiều người bệnh đang tước đót, gộp chổi, bó chổi, may chổi... Được tin tưởng giao cho khâu may chổi, chị Lê Thị Phượng (47 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) hồ hởi khoe: “Đan xong được một cây chổi, tôi thấy vui trong bụng! Làm việc xong, tôi ăn được nhiều cơm, ngủ ngon hơn”.

Số chổi mà bệnh nhân tâm thần làm được đã được một số nhà hảo tâm, các nhà chùa, cơ quan mua ủng hộ khi đến làm từ thiện tại Trung tâm. Mới đây, một DN tại TP Quy Nhơn đã đặt mua 150 chổi đót và 100 chổi cọng dừa. Đây là sự khích lệ đối với bệnh nhân và cán bộ Trung tâm. Ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, trao đổi: “Giá trị lớn nhất mà chúng tôi thu về từ các hoạt động này chính là niềm vui lao động của bệnh nhân. Được làm việc và nhìn thấy sản phẩm của mình làm ra đã giúp các bệnh nhân quên đi nỗi buồn, nỗi bất an, làm tinh thần phấn chấn, hỗ trợ tích cực cho công tác điều trị, phục hồi”.

Tăng cường vận động, giải pháp trị liệu

Đến cuối năm 2019, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã được đầu tư, mở rộng nhà ăn, nhà ở đối tượng, nhà phục hồi chức năng; trang bị thêm 100 giường, máy móc, thiết bị mới. Trong đó, các thiết bị vận động ngoài trời lắp đặt tại khuôn viên Trung tâm, các thiết bị trị liệu trong nhà như: Giường massage điện, ghế đạp, đèn hồng ngoại, khung tập di chuyển... có ý nghĩa tích cực đối với công tác trị liệu.
Y sĩ Thái Văn Hành, Phó phòng Y tế Trung tâm, cho biết: “Các thiết bị này đã giúp chúng tôi điều trị một số bệnh về đau nhức cho bệnh nhân, góp phần vào công tác điều trị nói chung, tham gia hỗ trợ giấc ngủ sâu, tạo tinh thần thoải mái hơn. Có bệnh nhân như bà Trần Thị Em, trước đây gặp khó khăn về đi lại, chỉ ngồi một chỗ, sau khi được tập luyện thường xuyên, đã có thể đi lại tốt. Qua theo dõi, một số bệnh nhân cao huyết áp hoặc rối loạn tuần hoàn não cũng đã cải thiện được tình hình sức khỏe”.

 
tam than 2
Lớp yoga cho bệnh nhân tâm thần chú trọng vào việc điều hòa hơi thở, nghe nhạc và thư giãn, một số động tác đơn giản.
Tại Nhà phục hồi chức năng, một lớp yoga đã được hình thành. Chị Nguyễn Thị Sen, cán bộ Trung tâm cũng là người phụ trách lớp yoga, tâm sự: “Lớp hình thành từ năm ngoái và đến nay, đã có khoảng 10 người theo học. Chúng tôi đang cố gắng nhân rộng số người tham gia lớp yoga nhưng thật sự khó bởi nhiều bệnh nhân tâm thần đủ điều kiện sức khỏe để theo học nhưng chưa đủ nhẫn nại với bộ môn này. Tập yoga cho bệnh nhân tại Trung tâm, tôi chú trọng vào việc điều hòa hơi thở, nghe nhạc và thư giãn tâm trí, một số động tác đơn giản nhằm giãn các nhóm cơ trên cơ thể”.

Bên cạnh đó, các bộ môn thể thao lâu năm của Trung tâm như: Bóng chuyền, bóng bàn, bida...; các giờ sinh hoạt văn nghệ, hát karaoke, xem ti vi; các hoạt động chăm sóc cây cảnh, vườn hoa, vẫn được duy trì ổn định. Tất cả đều hướng tới mục tiêu tạo một mái nhà chung, nơi người tâm thần vừa điều trị, vừa được chăm sóc, vừa có thể phát huy những năng khiếu, sở thích, giúp họ tự tin, thoải mái, nâng cao sự tin tưởng của gia đình bệnh nhân đối với Trung tâm.

 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định